Trong kế hoạch , mình chỉ có 2 ngày ở Busan nên cố gắng tìm hiểu các địa điểm nổi bật bậc nhất của thành phố này . Và ngôi làng Gamcheon đầy màu sắc là một trong số đó , được ví như “Santorini ở Châu Á” , ” Machu Picchu ở Busan” . Những ngôi nhà hướng ra biển giống các mảnh ghép Lego xếp chồng lên nhau , có các con phố nhỏ trưng bày tác phẩm nghệ thuật ứng dụng xen kẽ vài tiệm Cafe được thiết kế dễ thương phục vụ món tráng miệng địa phương độc đáo .
Mục lục
Đọc thêm : Lịch trình 7 ngày Busan – Seoul , Hàn Quốc

Đi bằng cách nào ?
Trong nhóm mình có 1 người bạn biết tiếng Hàn nên cả nhóm bắt xe buýt từ chợ hải sản Jagalchi tới thẳng làng văn hoá Gamcheon để chơi buổi chiều . Xe buýt ở Busan nói chung khó đi hơn tàu điện vì bảng biển chỉ dẫn không có tiếng Anh , đi trên xe chủ yếu là người già , giao tiếp không tốt lắm nên rất bất tiện khi hỏi đường . Tốt nhất các bạn nên đi tàu điện theo chỉ dẫn sau đây :
- Lên tàu điện ngầm Line 1 ( Ga Busan ) tới ga Toseong .
- Ra cửa số 6.
- Trước mặt là một giao lộ , rẽ phải và đi thẳng .
- Bắt Bus 2 hoặc 2-2 có in dòng chữ ” Gamcheon Culture Village ” ở cửa xe .
- Bus sẽ thả bạn ở ngay cổng làng văn hoá Gamcheon ở đỉnh đồi .


Lịch sử làng văn hoá Gamcheon
Làng Gamcheon vốn là nơi sinh sống của dân tị nạn trong cuộc chiến tranh với Triều Tiên những năm 1950 , khi tới với ngôi làng này bạn sẽ được cảm nhận văn hoá , nhịp sống con người ở Busan một cách chân thực nhất .So với sự phát triển nhanh chóng của thành phố Busan, “khu ổ chuột” Gamcheon giống như một “đặc sản” hiếm có. Vì thế vào năm 2009, dự án “làng nghệ thuật” đã được bộ du lịch Hàn Quốc đề xuất , nhận được sự hưởng ứng từ các nghệ sỹ địa phương và cư dân để khôi phục các giá trị lịch sử , phát triển kinh tế , đưa Gamcheon trở thành địa điểm du lịch tại Busan .

Chơi gì vui ?
- Chụp ảnh với các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng và hội hoạ dưới bàn tay của các nghệ sỹ Hàn Quốc . Giống như Penang hay làng bích hoạ Tam Thanh ở Việt Nam , các bức hoạ đều thu hút số lượng lớn khách tới ” check-in”, lưu giữ kỉ niệm .



- Sưu tầm tem , thắng quà : Ở quầy thông tin du lịch ngay cổng vào bán bản đồ làng Gamcheon giá 2.000 won ( tầm 40.000 vnđ ) . Trên đó đánh dấu 8 điểm tham quan nổi bật ( bao gồm các quán cafe , phòng trưng bày , cửa hàng nghệ thuật ) , bạn lấy đủ 8 tem rồi quay trở về quầy sẽ có 1 phần quà nhỏ dành cho bạn . Nếu có thời gian thì bạn chơi thử trò này nhé , xem món quà đó là món gì , khá thú vị và hồi hộp hehee .
Bản đồ làng Gamcheon giá 2000 won ( ~ 40.000 vnđ ) .


- Lang thang vào các ngóc ngách của ngôi làng để cảm nhận không khí , văn hoá sinh hoạt của người dân nơi đây.


- Khám phá lịch sử phong phú của Gamcheon tại Bảo tàng thu nhỏ ( Little Museum ) : hơn 70 đồ dùng gia đình cũ do các cư dân địa phương quyên góp, minh họa cho quá khứ . Du khách có thể tìm hiểu thêm về sự chuyển đổi nghệ thuật của Gamcheon thông qua sự hợp tác của cư dân, nghệ sỹ và chính quyền địa phương.


Ngoài khách du lịch nước ngoài thì khung cảnh lãng mạn ở Gamcheon cũng thu hút khách thập phương trong nước khi tới Busan .
Ăn gì ngon ?
Món Ssiat Hotteok là món bánh rán ngọt nổi tiếng ở Busan , với vỏ ngoài vàng ruộm giòn tan, phần nhân mật ong , đường , hạt hướng dương quyện vào nhau , thơm nức mũi . Có nhiều nơi bán món này trong làng , các bạn có thể mua một chiếc để thưởng thức , rất tuyệt đấy nhé !
Tiệm bán nước ép , kem , bánh waffle … cũng phải thật “kute ” mới được 😀
Các quán ăn và tráng miệng ở đây khá nhiều tuy nhiên mình cảm thấy giá mắc và không phong phú bằng ở Seoul 😀

Ngày mình đi thời tiết đẹp trời xanh mây trắng , ngắm nhìn ngôi làng lần cuối từ xa cảm giác yên bình và gần gũi . Về già nếu có cơ hội mình chỉ muốn ở một nơi thoáng đãng , dễ thương và hướng ra biển như thế này ! Chúc các bạn có một chuyến đi vui vẻ và đáng nhớ .
Làng văn hoá Gamcheon ( Gamcheon Culture Village )
Địa chỉ : 203, Gamnae 2-ro, Saha-gu, Busan || Website : http://gamcheon.or.kr/
Giờ mở cửa :
Từ tháng 3- tháng 11 ( 09: 00-18: 00 )
Từ tháng 12- tháng 2 ( 09: 00-17: 00 )
* Lưu ý : Khách du lịch có thể tham quan làng quanh năm nhưng nên giữ yên tĩnh vì ngôi làng là khu dân cư.

What do you think?