Mục lục
1. Thịt bò Yak :
Bò Yak là loài bò Tây Tạng đặc trưng sống khu vực miền núi Himalaya ở miền nam Trung Á, bao gồm cao nguyên Thanh – Tạng và xa về phía bắc tới tận Mông Cổ . Loài bò này có thể sống tới 20 năm , to lớn , con đực có thể cao tới 2m và con cái cao tới 1,6m và có bộ lông dày để chống rét . ( Ảnh sưu tầm Internet & Biên tập bởi Jessie Vu )
Vì loài bò Tây Tạng hiếm , chỉ sống trên vùng núi cao nên thịt rất sạch , mềm , thơm ngon, có vị đặc trưng riêng mà không ở nơi đâu có được. Thịt bò Yak , được bán phổ biến trong làng người Tạng thuộc khu danh thắng Cửu Trại Câu , được chế biến theo nhiều cách : ninh, làm khô, ướp gia vị , dễ ăn mà không bị ngán , trước mỗi quầy đều có một khu vực ăn thử . Đây là một trong những món không thể không thử khi tới vùng đất Tứ Xuyên , Trung Quốc.
2. Lẩu Tứ Xuyên
Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, được UNESCO công nhận là Thành phố Ẩm thực Thế Giới vào năm 2010. Lẩu Tứ Xuyên đặc trưng cho nền ẩm thực Tứ Xuyên nổi tiếng nhiều dầu mỡ với vị cay nồng xé lưỡi của tiêu đỏ – ớt . Ở Hà Nội , có nhiều nơi quảng cáo lẩu Tứ Xuyên hay nước lẩu Tứ Xuyên , nhưng không hề giống chút nào bạn nhé .Hãy đến tận nơi và thưởng thức đặc sản địa phương , bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt .
Nồi lẩu ở đây lớn nằm ở giữa bàn , luôn luôn có 2 nồi trong 1 . Một nồi nước trong , ninh xương ngọt nước , không cay . Nồi phía ngoài đỏ quạnh , rất nhiều dầu , ở dưới là vô số hạt tiêu ( nguyên vỏ , chưa xay ) cay nồng và ớt . Để ăn chung với nước lẩu , bạn gọi thêm các món khác như thịt bò thái lát mỏng , tim cật , mỳ …. , order theo đĩa nhỏ, mang đến đâu tính tiền ra tới đấy . Điểm đặc biệt trong món lẩu Tứ Xuyên này ngoài việc thử thách mức độ ăn cay thì còn thách thức khả năng ăn nhiều dẫu mỡ của bạn .Các miếng thịt sau khi nhúng qua nước lẩu sẽ chấm vào một hỗn hợp dầu ăn với tỏi , hành tuỳ ý , rồi đưa lên miệng ăn liền .Nếu không quen ăn kiểu này thì bạn có thể bảo nhân viên mang muối ra thay thế .
Chú ý : Tất cả nước chấm đều tính thêm tiền , bạn không ăn thì trả lại ngay từ đầu cho quán nhé .
3. Đồ nướng tẩm ướp
Đồ nướng ở Tứ Xuyên được tẩm ướp bằng các loại cỏ – ớt – tiêu tạo ra mùi thơm rất đặc trưng. Các xiên thịt cá, bò, nội tạng, đậu… nóng hổi trong thời tiết se lạnh luôn thu hút mọi tầng lớp .
Ở những tiệm bán rong ngoài trời , họ không ướp thịt sẵn mà nướng đến đâu quét gia vị tới đó nên không chỉ ngon miệng mà còn rất ngon mắt , từ xa đã ngửi thấy mùi thịt nướng thơm ngào ngạt .Khi ăn có thể cảm nhận sự đậm đà trong từng thớ thịt .
4. Kẹo đường thắng
Kẹo được làm từ đường thắng , tới nhiệt độ vừa đủ để kéo thành sợi . Sau đó,nghệ nhân sẽ dùng một chiếc muôi nhỏ múc nước đường sền sệt , nhanh tay tạo hình . Đường thắng ở nhiệt độ thường nhanh chóng cứng lại sau vài giây , tạo thành màu cánh gián bắt mắt. Bạn có thể yêu cầu nghệ nhân làm theo hình mình ưa thích hoặc có thể quay chiếc kim trên bàn để chọn hình ngẫu nhiên. Ở bàn quay , có sẵn mẫu nhiều hình thù ngộ nghĩnh như hình con rồng , hạc , trái tim , đủ bộ 12 con giáp ….. Các hình càng khó , to hơn hay yêu cầu tạo màu xanh , đỏ thì giá thành càng đắt .
Mình được một cô gái Trung Quốc vừa làm quen khi xuống trạm xe Bus , dẫn đi chơi phố cổ Cẩm Lý và hướng dẫn mua kẹo đường thắng . Cô ấy nói vui mình là con gái mà lại chọn được thanh đao thì ắt hẳn là một con người rất mạnh mẽ ^.^
5. Kẹo hồ lô
Món ăn truyền thống, ngọt ngào được không chỉ trẻ em mà còn đông đảo các lứa tuổi ưa thích ở Trung Quốc. Các loại hoa quả chua như táo gai, dâu , chuối , dứa , nho khô , kiwi , hạt chà là , quất vàng hay hạt dẻ nước … được xiên que rồi nhúng qua nước đường đun nóng , để nguội sẽ tạo lớp vỏ cứng, đỏ – vàng ươm cho thanh kẹo .
Các bạn có thể kiếm cho mình một xiên kẹo hồ lô ở khu phố cổ Cẩm Lý , Thành Đô – nơi có rất nhiều món ăn truyền thống hấp dẫn.
Khi ăn kẹo hồ lô , vị ngọt thanh của đường hoà lẫn với hương chua rôn rốt của hoa quả rất vừa miệng , có thể mang kẹo đi ăn dọc đường trong thời gian dài mà vẫn đậm đà , giữ nguyên hương vị . Hãy một thanh kẹo hồ lô táo gai bởi táo gai là loại hoa quả đầu tiên được dùng để làm kẹo hồ lô , hơi bở chứ không giòn như táo ta , ăn tới đâu tan trong miệng tới đấy . Trước đây , họ chỉ xiên 2 quả táo gai quả trên nhỏ quả dưới to giống chiếc hồ lô nên mới có tên gọi như vậy . Ngoài ra , lịch sử của cây kẹo hồ lô cũng rất thú vị đó nhé :
Kẹo Hồ Lô xuất hiện từ thời nhà Tống (960 – 1279). Hoàng đế Tống Quang Tông (1147 -1200) có một phi tần rất được sủng ái khi đó đang mắc phải một chứng bênh nan y. Các thái y trong nội cung đang loay hoay không biết tìm cách nào thì một vị thần y trong dân gian đã xin phép nhà vua cho được chữa trị. Vị thần y này đã bọc những quả táo gai trong nước đường đun nóng, trước mỗi bữa ăn cho vị phi tần kia ăn 5 tới 10 viên sau 2 tuần thì căn bệnh kia đã được chữa khỏi. Bài thuốc thực sự đã làm kinh ngạc các thái y trong triều kinh ngạc.

bach
Tháng Mười Hai 14, 2018Chào bạn JessieVu, Bạn cho mình hỏi cách di chuyển từ Trung tâm TP Thành Đô ra sân bay đc ko ạ? Có tàu điện hay phải đi taxi ạ?